hidden

Đất phương Nam ngày cũ

  • 15/06/2020
  • 75

“Đất phương Nam ngày cũ” là tập truyện ngắn mới nhất của Trần Bảo Định. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Tây Nam bộ nên hơn ai hết - Trần Bảo Định am hiểu và có nhiều kiến thức sâu rộng về mảnh đất mà ông đã và đang gắn bó. Với 20 câu chuyện được kể bằng chất giọng miền Tây “đặt sệt” pha chút hóm hỉnh, hài hước sẽ đưa bạn đọc đến với vùng đất phương Nam của những ngày xưa cũ để hiểu và thêm yêu mãnh đất này.

Tên tuổi Trần Bảo Định gắn liền với miền sông nước, ông được mệnh danh là “người kể chuyện dân gian hiện đại”, bởi mỗi đứa con tinh thần của ông đều gắn chặt với đất và con người trên mãnh đất miền Tây. Chỉ cần chậm rãi lật từng trang quyển sách này, cảnh sắc, phong vị đất và người phương Nam sẽ ùa về man mác, bâng khuâng trong tâm trí độc giả. 

Vẫn với cách viết quen thuộc, lối hành văn mộc mạc, giản dị, chân thành, và đặc biệt ngôn từ, khẩu ngữ “sặc mùi” Nam bộ được nhà văn sử dụng nhuần nhuyễn trong từng câu chuyện, khiến những câu chuyện ông kể dễ đi sâu vào lòng người đọc. Nào là cô tư, thím bảy, bà hai,... hiện lên một cách đời thường và dân dã như chính cái tên của họ. Điều độc đáo ở tập truyện còn là việc tác giả kết hợp tài tình giữa chất bi và hài trong nghệ thuật kể chuyện, kể về nỗi vất vả thiếu thốn của người dân, nhưng không hề tạo cảm giác bi lụy mà thể hiện sự lạc quan, vui vẻ, trọn nghĩa tình quê hương.

Đời sống của những người dân Nam bộ từ những ngày đầu khai hoang mở cõi, được Trần Bảo Định tái hiện lên một cách sinh động, những sản vật hay món ăn mộc mạc mang hương vị quê nhà, như “Bánh giá chợ Giồng, mắm cồng Phú Thạnh, nồi canh chua lá giang, cá linh hấp mía,...” đều được tác giả miêu tả một cách chân thực, thể hiện sự quan sát tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc, những tìm tòi công phu đầy thú vị về phong tục tập quán nơi ông sinh sống.

“Đất phương Nam ngày cũ” đúng như cái tên của nó, tác giả đã nhắc cho chúng ta nhớ về nguồn gốc của một miền đất hứa từ thuở khai hoang lập ấp. Biết bao địa danh, những cái tên ấp, tên làng được đặt dựa trên đặt tính tự nhiên của vùng đất đó, nhiều địa danh còn được đặt dựa trên những câu chuyện truyền thuyết, như câu chuyện: “Nàng Chanh hay Nàng Quớt, nàng vốn là cung phi má hồng trong hoàng cung vua Thủy Chân Lạp. Một đêm nàng trốn theo trăng mong thoát “phận má hồng”. Vua Thủy Chân Lạp nộ khí xung thiên, truyền cho thủy binh dong thuyền rượt theo giết cho kỳ được,… Những mũi giáo oan nghiệt của quan binh đã đâm thủng trái tim nàng, từng giọt máu rớt xuống mặt sông loang loáng ánh trăng. Sau này, nơi con sông nàng chết, người đời gọi là vàm nàng Chanh, lâu ngày nói trại thành Mỹ Thanh. Nơi nàng bỏ nồi cơm sống, gọi Bay Chau, lâu ngày nói trại ra Bãi Xàu. Chỗ liệng cái ống nhổ bằng vàng gọi là Cần Tho, lâu ngày nói trại thành Dù Tho” (Trích Gạo nếp quê chồng).

Những hình ảnh thân thương, khả kính của con người trên vùng đất phù sa châu thổ, hiện lên rất đỗi thân thương qua từng trang viết. Trần Bảo Định kể đa phần là chuyện ân nghĩa, chuyện vui, xen kẽ những câu chuyện buồn, những cảnh nghèo cơ cực, lam lũ nhưng với một phong thái ung dung, cùng chất giọng hào sảng, tạo nên một bức tranh miền sông nước rất đỗi hữu tình.

Tập truyện ngắn “Đất phương Nam ngày cũ” sẽ đưa người đọc dạo chơi đến vùng đất miền Tây, để được đắm mình trong dòng chảy của phù sa, để cảm nhận được cái chân chất, thật thà của người dân nơi đây, cũng như cảm nhận được cái tình - cái tính của họ dành cho nhau trong cuộc sống thường ngày. Cũng chính những cái tình đó đã tạo nên những món ăn ngon, những sản vật quý làm rạng danh xứ sở miền sông nước.


Yến Nhi


  • Phòng TTTM & TH

Mới nhất

Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách – Chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức quy mô toàn quốc, với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.

Xem nhiều nhất

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tác giả : José Mauro de Vasconcelos Nhà xuất bản Hội Nhà Văn SÁCH ĐANG CÓ TẠI THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH