THANH NIÊN VIỆT NAM VÀ
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẸP
Mỗi bạn trẻ có công việc khác nhau, có những
cách làm khác nhau nhưng họ luôn ý thức không phí hoài giây phút tuổi trẻ nào,
góp thêm cho cuộc đời những câu chuyện đẹp, ý nghĩa… Không chỉ viết nên những
câu chuyện đẹp, mỗi bạn trẻ lại có một cách để lan tỏa những điều tích cực đến
với cộng đồng.
Nhân kỷ niệm 92 năm lịch sử ngày thành lập
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023), Thư viện tỉnh Tây
Ninh xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn cuốn sách “Thanh niên Việt
Nam và những câu chuyện đẹp”. Cuốn sách tập hợp 66 mẩu chuyện về những gương điển hình thanh
niên tiêu biểu Việt Nam khởi nghiệp thành công độc đáo, thú vị. Sách do nhà
xuất bản Thanh niên phát hành năm 2019 nhằm vinh danh những đoàn viên thanh
niên với cách làm mới lạ, sáng tạo mang lại nguồn lợi kinh tế lẫn văn hóa cho
quê hương.
Ở trang thứ 8 của quyển sách, Hotgirl khởi nghiệp từ 1 triệu
đồng đã để lại nhiều ấn tượng. Đó là câu chuyện khởi nghiệp của một bạn trẻ quê
ở phường 4, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, khởi nghiệp thành công với nghề móc
len tên Nguyễn Thị Kim Anh. Khởi nguồn bằng niềm yêu thích công việc móc len tự
tay làm những món đồ nhỏ tặng bạn bè. Những sản phẩm đầu tay, được phản hồi rất
tích cực, Kim Anh nhen nhóm ý tưởng kinh doanh. Nhờ nỗ lực không ngừng và chịu
khó nghiên cứu về sản phẩm, đối tượng có nhu cầu và tìm cách quảng bá… nên sản
phẩm của Kim Anh ngày càng được nhiều người biết đến, trong đó có nhiều khách
hàng nước ngoài đặt mua với số lượng lớn. Nhận thấy tiềm năng phát triển, Kim
Anh quyết định mở rộng quy mô cơ sở bằng cách liên hệ với Thành đoàn Cao Lãnh
vay vốn 53 triệu đồng để mua nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, Kim Anh mở lớp dạy
nghề và câu lạc bộ handmade để tạo nguồn nhân công và tận dụng sản phẩm chất
lượng của học viên để cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và khách
hàng nước ngoài.
Hay đó là câu chuyện của anh Trần Văn Phú ngụ
xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thu lãi hơn 10 triệu đồng nhờ
trồng thành công sung Mỹ. Năm 2016, nhận thấy trồng sung Mỹ mang lại hiệu quả
kinh tế cao, anh Phú quyết định mua giống về trồng. Anh Phú cho biết “Giống
sung này vừa có thể trồng làm kiểng vừa có thể thu hoạch trái để làm mứt,
siro...; đặc biệt giá bán cao gấp hàng chục lần sung Việt Nam”. Nhờ chịu khó
tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cây của anh Phú trồng sinh trưởng tốt.
Một thời gian sau, anh tiến hành nhân giống hơn 200 gốc và trồng trên diện tích
300m2 nhà màng. Anh thấy rằng cây sung Mỹ rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc,
chỉ cần bón phân chuồng như phân bò, phân gà trộn mùn cây, xơ dừa... ủ với vi
sinh trong thời gian 70 ngày. Đất sau khi đạt chất lượng thì có thể sử dụng
trồng cây, tưới nước ở gốc từ 3 - 4 lít/ngày và tùy vào mật độ của cây trồng to
hay nhỏ để thêm lượng nước cho phù hợp. Đặc biệt, giống sung này trồng ở các
nước châu Âu cho thu hoạch 1 vụ/năm, còn tại Việt Nam nếu trồng trong nhà màng
và thời tiết thuận lợi thì cây cho trái quanh năm. Thời gian tới, anh Phú sẽ
tiếp tục mở rộng nhà màng để trồng, nhân giống nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu
mua cây giống của bà con tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời mở điểm
tham quan, bán các sản phẩm từ trái sung Mỹ tại trang trại để nhiều người đến
thưởng thức.
Tiếp đó, trong cuốn sách này làm sao có thể bỏ
qua câu chuyện của cô gái người Bana Hồ Thị Viên ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị
xã An Khê (Gia Lai) đã chọn cách khởi nghiệp, khát vọng giúp bà con thoát nghèo
bằng cà gai leo - một sản vật của quê hương. Hồ Thị Viên có lẽ chẳng lạ gì với
người làng Pơ Nang. Giỏi giang, nhanh nhẹn, khéo léo và có chút... bướng nữa vì
hay có những suy nghĩ khác người, nhiều người làng nói vậy. Tuổi đời chưa đến
30 nhưng Viên đã có nhiều năm lăn lộn với đồng đất, xoay ra bỏ công với thổ cẩm
và nhiều việc khác. “Em nghĩ đến việc phát triển kinh tế bằng cây cà gai leo -
một loại cây của địa phương. Tìm kiếm trên mạng Internet, em thấy đây là một
loại dược liệu quý. Làng em lâu nay mọi người vẫn trồng rải rác dùng để uống
như trà cho khỏe. Em đã đưa vấn đề này đề đạt với các anh lãnh đạo trong xã và
được ủng hộ nhiệt tình. Rất nhanh công việc của em được mọi người ủng hộ”, Viên
kể. Viên và nhóm còn đặt mục tiêu lớn hơn: chế biến trà gai leo và nhiều sản
phẩm khác từ loại cây này mang tên địa phương làng Pơ Nang. Điều thú vị là tên
làng Pơ Nang, dịch theo tiếng Việt có nghĩa là cây cau. Nhiều người già ở đây
kể rằng vùng đất này ngày xưa là một trong những địa điểm luyện quân của những
dũng tướng thời Tây Sơn.
Còn Hà Ngọc Anh – một du học sinh, sau khi ra trường, đi làm ở
Úc và quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp ở một lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại
thị trường du học nước nhà. Ngọc Anh chia sẻ: “Trong suốt quãng thời gian du học,
mình hiểu sinh viên cần gì và thiếu gì cho hành trình của mình. Đặc biệt, với
mối quan hệ có được sau thời gian làm việc ở Úc, mình nhận ra bản thân có cơ sở
phát triển và giúp đỡ các bạn học sinh dễ dàng hơn trong việc xây dựng định
hướng, cũng như trở thành người bạn tin cậy cho các bạn trên khắp thế giới”.
Ngọc Anh đã dùng số tiền tiết kiệm định dùng đi du lịch để cùng vài người bạn
thành lập dự án “Student Life Care” - tổ chức chuyên hỗ trợ đưa đón sân bay,
thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng, tài khoản điện thoại, tìm việc làm thêm, tham
quan thành phố… cho sinh viên Việt Nam tại Úc và kết nối với các chi nhánh ở
nước ngoài như Anh, Canada... Ngọc Anh “bật mí”: “Ở Úc, không có những dịch vụ
trọn gói chăm sóc du học sinh. Nếu bạn cần dịch vụ nào thì tìm đến dịch vụ ấy
nhưng chi phí rất cao nên du học sinh Việt Nam không có khả năng chi trả. Hơn
nữa, vai trò của các trung tâm tư vấn du học chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ xin
visa, vé máy bay, thủ tục nộp đơn và nhập trường. Tuy nhiên, những việc quan
trọng đối với du học sinh lần đầu đặt chân đến xứ người là cần được hỗ trợ để
nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới thì bị bỏ qua. Trong khi đó, “Student
Life Care” cung ứng dịch vụ đầy đủ và lấy phí rất rẻ, vì nhận được hỗ trợ của
một số quỹ đầu tư nước ngoài”. Không chỉ giúp du học sinh khi ra nước ngoài,
“Student Life Care” còn tổ chức sự kiện đối thoại với du học sinh, nhằm chia sẻ
thông tin, kinh nghiệm sống và cách học “online” hiệu quả từ chính các bạn sinh
viên du học thành công tại các nước trên thế giới... Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ
các chương trình thực tập dành cho du học sinh đang học tại nước ngoài về Việt
Nam nghỉ hè.
Mỗi câu chuyện gắn liền với một tấm gương khởi
nghiệp của đoàn viên thanh niên trên nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, du lịch,
thủ công mỹ nghệ... “làm giàu” độc đáo bằng tất cả khả năng của mình để xây
dựng sự nghiệp và phát triển thành công thương hiệu cho bản thân.
Hy vọng cuốn sách “Thanh niên Việt Nam và những câu chuyện đẹp”
sẽ cung cấp những tư liệu quý báu giúp bạn đọc, nhất là những bạn trẻ được tiếp
cận, tìm hiểu về hành trình khởi nghiệp của thanh niên. Từ đó ra sức học tập,
lao động để xây dựng quê hương giàu mạnh, nhất là tuổi trẻ tự thân lập nghiệp.