hidden

HÀ NỘI, MŨ RƠM VÀ TEM PHIẾU

  • 25/01/2021
  • 135
Có người lưu giữ ký ức bằng những khung hình, có người cất giữ kỷ niệm bằng những thước phim, hay có người lại dùng lời ca, tiếng hát để ngăn không để những hoài niệm xa xăm bị thời gian phủ lên những lớp bụi mờ. Với Trung Sỹ, cũng như các văn nhân, thi sĩ tự cổ chí kim, họ cũng có những cách cất trữ kỉ niệm rất riêng. Đó là đều cùng sử dụng ngòi bút, gói gọn trọn vẹn những năm tháng đã qua, ấp ươm tỉ mẩn vô vàn những suy tư, hoài niệm, để rồi gửi gắm vào đời những trang văn, trang thơ thắm vị thời gian, đẫm hương kỷ niệm. Ở Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, Trung Sỹ đã cùng ta sống dậy ký ức của một Hà Nội bao cấp một thời, cùng đi qua những cơ cực, lầm than trong đạn bom thời chiến và cả những hạnh phúc rất đỗi bình dị thời bình.

Trung Sỹ nâng niu từng mẩu ký ức, rồi khéo léo đan dệt chúng thành những câu chuyện, những trang văn đầy chân thực song cũng không kém phần hóm hỉnh. Đó là câu chuyện về một người con Hà Nội, là cậu ấm của cả hiệu thuốc lào trứ danh, ăn no mặc ấm, buộc phải cắt đất, chia nhà, chịu cảnh bất tiện dở khóc dở cười; là câu chuyện về những ngày bom rơi đạn nổ, về những người thủ đô buộc phải khăn gói rời nhà, bỏ phố tới những miền quê, những vùng trung du xa xôi, lặng vắng; là câu chuyện về những người u xem cháu như con ruột, về người chú có máu nghệ sĩ song không gặp thời, về người cô vì bất ổn mà phải cất gót theo chồng về miền biên viễn không biết ngày trở lại.

Tiếng bom đã dứt, tiếng đạn đã ngưng, tác giả lại kể cho ta thêm nhiều câu chuyện về đất nước những năm bao cấp, về những chiếc phiếu tem quyền lực, về những lần xếp hàng dài dằng dặc trước những cửa hàng mậu dịch, những bát cơm độn mỳ khô khốc, lác đác vài miếng rau dưa muối mặn gọi là… Chỉ đôi ba dòng bút, nhưng Trung Sỹ đã khái lược được nhịp chảy của cả dòng sông đời, khắc họa trọn vẹn chân dung cả một con người trưởng thành trong chiến trận. Dường như những biến cố lịch sử cũng gây nên những tác động không nhỏ đến con người tác giả, bồi đắp nên những nét tính cách đẹp đẽ trong ông, đồng thời gieo vào tâm trí người thiếu niên thủ đô năm nào vô vàn những trăn trở, suy tư về cuộc đời, con người trong bao tháng ngày đất nước đầy biến động.

Dưới góc nhìn của cậu bé Hà Nội ấy, mảnh đất thủ đô không đơn thuần chỉ là những gốc bàng khẳng khiu giữa gió đông xám ngắt, là những lòng hồ mát lạnh những đêm hè ả oi, là những gốc đào hồng thắm mỗi độ Tết về, là tiếng tàu điện leng keng, là những mái trường, những vần thơ, những nhà giáo tận tâm với nghề; Hà Nội trong tâm tưởng tác giả còn là những bữa đói ăn, những đợt tất tả chạy đôn chạy đáo vì nghe tin cửa hàng có cá ngon, tôm ngọt, là những nết xấu được mồn một phơi trần giữa cảnh nghèo túng, là những giá trị thuần phác, nền nã, tốt đẹp làm nên nét hào hoa, phong nhã của con người thủ đô ngày càng bị suy đồi. Tác giả không chỉ khắc họa Hà Nội với tất cả những gì đẹp nhất, đặc trưng nhất, mà còn cẩn thận gieo vào đó những tình cảm chân thành, những suy ngẫm đáng lưu tâm về Hà Nội, khiến cho những kẻ chưa bao giờ đặt chân tới Hà Nội cũng dần yêu mảnh đất này xiết bao.

Với tất cả những điểm sáng ở trên, có thể hoàn toàn khẳng định Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là một cuốn sách đáng đọc. Viết về hành trình trưởng thành của cả một đời người, tác giả không quên điểm qua thêm nhiều câu chuyện của thân nhân, họ hàng và trên cả là khắc họa đời sống thủ đô một thời quá vãng. Cuốn sách đã mở ra trước mắt ta bức tranh ngày xưa Hà Nội vừa quen, vừa lạ, qua đó, tình yêu quê hương, đất nước, con người trong trái tim độc giả cũng theo đó mà lớn dần lên, lớn dần theo những trang văn tình cảm, dí dỏm, say mê tới diệu kỳ…

Xuyên suốt cuốn hồi ký, xuôi theo dòng chảy êm đềm của kỷ niệm, là hình ảnh mũ rơm – biểu tượng của chiến tranh, và tem phiếu – tượng trưng cho ngày bình dần được khắc ghi, tái hiện. Mũ rơm theo chân tác giả những ngày nắng gắt tới trường, lẫn cùng màu lúa đồng vừa gặt, tránh khỏi đạn bom, máy bay tiêm kích. Tem phiếu lại đồng hành cùng ông trong những lần xếp hàng mua đồ, nhận thực phẩm, gợi nhắc về quãng đời bao cấp chẳng thể nào quên. Hai hình ảnh tưởng như đối lập, song lại quyện hòa đến lạ. Chúng là những gì quen thân nhất của tuổi thơ, là những điều không bao giờ phai lạt trong tiềm thức – là những điều luôn ẩn hiện trong trí óc tác giả, thôi thúc ông viết nên những dòng hồi ức đầy cuốn hút này.

Không chỉ giàu giá trị suy tưởng, Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu còn rất đậm đà tính nghệ thuật. Lựa chọn lối viết tự nhiên, không để câu chữ bị gò bó vào bất kỳ một khuôn mẫu nhất định nào, Trung Sỹ để mặc cảm xúc ào ạt trôi, cho văn chương ào ạt chảy, kỷ niệm cũng theo đó trào tuôn, lúc từ những ngày tấm bé, khi lại tới những năm tháng thiếu thời, hay đi lạc qua những ngày chinh chiến ở chiến trường Tây Nam khói lửa. Tác giả như để người đọc thỏa sức vẫy vùng trong dòng sông hồi ức của bản thân, tự thân lần mò, khám phá những sự kiện, biến cố. Từ đó, sự nối kết giữa những gì tác giả mong muốn truyền tải với tâm trí, trái tim của người đọc cũng ngày một bền chặt hơn.

TVT
  • Phòng TTTM & TH

Mới nhất

💥Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 diễn ra trong dịp lễ kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), nên các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay tập trung nhiều đến nội dung chuyên đề này nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ.

Xem nhiều nhất

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tác giả : José Mauro de Vasconcelos Nhà xuất bản Hội Nhà Văn SÁCH ĐANG CÓ TẠI THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH