hidden

Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm

  • 01/07/2020
  • 67

Tập bút ký “Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm” của nhà thơ Phạm Đương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, với 42 câu chuyện được viết lên từ lòng yêu quê hương đất nước sâu đậm của tác giả. Cuốn sách đã được tặng thưởng loại B - tặng thưởng văn học nghệ thuật tỉnh vào cuối năm qua.


Nhà thơ Phạm Đương (tức nhà báo Trần Đăng – phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Nha Trang), do tính chất công việc, nên anh có điều kiện đi đến nhiều vùng, miền của Tổ quốc. Được tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện của những người con yêu nước ở từng địa phương. Chính vì thế, anh đã kể cho chúng ta nghe từng câu chuyện một cách chân thật nhất, như câu chuyện của anh Huỳnh Thọ, một ngư dân bám biển, tâm sự: “Chúng tôi bám biển không phải chỉ để đánh cá nuôi vợ con đâu mà là để cho người ta biết rằng, Biển Đông luôn luôn có chủ… Chỉ cần nghe âm thanh “lật phật” được phát ra từ lá cờ đỏ sao vàng trong nắng mai thì cũng đã thấy “sướng” rồi, vì chính lúc đó, cột mốc biên cương của Tổ quốc lại hiện lên. (Trích: Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm).


Song hành với các câu chuyện kể về những con người trong cuộc sống hiện đại, tác giả còn ghi chép lại những sự kiện trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đôi khi là miêu tả những nét đẹp của văn hóa truyền thống hoặc chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của những văn nghệ sĩ. Tuy viết về nhiều đề tài, nhưng đậm nét và nổi bật nhất trong tập bút ký này có lẽ là chủ đề về biển đảo quê hương, những câu chuyện như: Hậu duệ lính Hoàng Sa, Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn, Báu vật của tiền nhân, Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm, … kể về sức chiến đấu oanh liệt của cha ông ta từ hàng ngàn năm trước đến tận hôm nay. Là những câu chuyện truyền cảm hứng cho con cháu đời sau. Mặc cho hiểm nguy rình rập, những người ngư dân vẫn cho thuyền ra khơi bám biển, để khẳng định chủ quyền của đất nước.


Đọc “Hậu duệ lính Hoàng Sa”, thế hệ trẻ mới hiểu hơn và thêm cảm phục những người lính chiến: “Thời cuộc đã đổi thay, Hoàng Sa giờ chỉ còn trong tâm tưởng, song những hậu duệ của các thế hệ lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn thì vẫn vẹn nguyên lời thề của ông bà từ hơn 300 năm trước: Hoàng Sa mãi mãi là của nước Việt chúng ta! Với các thế hệ hậu bối ở Lý Sơn hôm nay, giữ một kỷ vật của ông bà từng liên quan đến Đội Hùng binh Hoàng Sa cũng đồng nghĩa với việc nuôi một ngọn lửa”. Hay đọc “Nằm lại ở Gạc Ma”, để càng thêm tự hào dân tộc: “Những người lính của chúng ta đã chấp nhận “im lặng” và hy sinh để biến mình thành những cột mốc của Tổ quốc giữa trùng khơi. Để đất nước có thêm một dải san hô, máu các anh đã phải đổ xuống. Ba mươi năm rồi, vì những lí do khác nhau, chúng ta đã phải tự làm khuất lấp vết thương luôn rớm máu ấy”.

 

Những bài ký của tác giả Phạm Đương thường không quá dài, mà ngắn gọn, súc tích nhưng truyền tải đầy đủ tất cả thông điệp, nội dung đến người đọc. Ở những bài viết cuối sách, anh viết về các nhà thơ mà ông tâm đắc như Bích Khê, Tố Hải, Thanh Thảo, Quách Tấn, … thể hiện sự kính trọng đối với những thế hệ nhà văn, nhà thơ đi trước.


“Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm” là tập bút ký thể hiện lòng yêu Tổ quốc, đặc biệt là yêu biển đảo quê hương. Người đọc sẽ hiểu thêm những vất vả, hy sinh của người lính biển, cũng như những ngư dân quyết tâm bám biển để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.


Yến Nhi


  • Phòng TTTM & TH

Mới nhất

💥Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 diễn ra trong dịp lễ kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), nên các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay tập trung nhiều đến nội dung chuyên đề này nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ.

Xem nhiều nhất

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tác giả : José Mauro de Vasconcelos Nhà xuất bản Hội Nhà Văn SÁCH ĐANG CÓ TẠI THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH