hidden

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2022)

  • 25/04/2022
  • 755

Cách đây 47 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cả nước đang hân hoan chào đón ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022). Hàng loạt các hoạt động kỷ niệm diễn ra trên khắp cả nước. Nổi bật trong số đó là nhiều nhà xuất bản đã tái bản lại những đầu sách viết về sự kiện trọng đại này, điển hình như: tái bản lại Nhật ký Đặng Thùy Trâm; Đại thắng mùa Xuân 1975- Sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình, của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự Thật; Búp sen xanh của nhà xuất bản Trẻ;… Nhân ngày lễ trọng đại này, Thư viện tỉnh Tây Ninh xin giới thiệu đến quý vị độc giả cuốn sách: “Bút ký lính tăng - Hành trình đến Dinh Độc Lập” của tác giả - Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt chấp bút; Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.


Lật dở từng trang sách chúng ta càng thấm thía cái tình của tác giả - Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt muốn gửi đến những người đồng đội đã ngã xuống. Như một nén hương gửi đến các anh chiến sĩ đã mãi mãi về với đất mẹ. Cũng như một món quà tri ân sâu nặng đối với những những người lính kết thúc những năm chinh chiến, trở về cuộc sống với một thân thể không lành lặn nhưng họ vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn bằng ý chí sắt thép đã được tôi luyện trong môi trường cam go nhất. Trái tim của người lính không ngừng được hun đúc bằng sức mạnh của tình yêu nước được thừa kế từ ông cha, để trở nên vững vàng hơn trong thời chiến lẫn thời bình.

Cuốn bút ký do một người lính tăng cầm bút nên ngôn từ không được bóng bẩy, hào nhoáng như những tác phẩm văn học của nhiều người nổi tiếng khác. Nhưng chính sự trong sáng bình dị, không một chút đẽo gọt công phu ấy lại mang đến cho người đọc cảm giác đang được tâm sự với một người lính bằng xương, bằng thịt.

Tác giả chia sẻ những câu chuyện rất đời thường, chuyện hành quân xuyên đêm trong hoàn cảnh đường đi thường xuyên bị oanh tạc bởi bơm mìn của giặc ngoại xâm. Hay bát cơm nguội chưa kịp lùa vội đã phải thi hành nhiệm vụ. Đó là tất cả những gian khổ mà các anh phải trải qua, nhưng bi thương nhất vẫn là chuyện sinh tử của đồng đội. Tất cả tạo thành một bức tranh bi tráng của lịch sử mà chúng ta không bao giờ quên.

Từ trong những khó khăn thiếu thốn về của cải, thuốc men, vũ khí,… nhưng dân tộc ta đã viết nên một kỳ tích trong lịch sử thế giới hiện đại. Một dân tộc nhỏ bé mà lại chiến thắng liên tiếp những cường quốc lớn. Đi khắp đất nước hình chữ S, vùng đất nào cũng gắn liền với những chiến công huy hoàng. Điển hình như cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, hay cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Xuân 1968,… cùng hàng loạt những trận chiến đấu ác liệt khác, đã làm nên cho kẻ thù phải khiếp sợ ý chí của dân tộc ta.

Thế mới thấy hết những máu, xương, nước mắt mà nhân dân ta đã trả cho cuộc hành trình thắng lợi ấy nhiều đến không thể đong đếm. Về không gian nó là cuộc đấu tranh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Về thời gian nó kéo dài qua nhiều thế hệ. Hành trình xe tăng đến Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 chính là một cuộc hành trình nối kết tất cả không gian- thời gian ấy thành một niềm hạnh phúc vỡ òa. Từ nay Bắc Nam sum hợp một nhà, dân tộc Việt Nam là một thể thống nhất không thể tách rời, không còn những cách trở chia ly.

Từng trang sách mỏng manh như tái hiện lại giây phút lịch sử sáng chói ấy, chiếc xe tăng húc tung cánh cửa Dinh Độc Lập. Khiến người đọc không biết từ lúc nào trào dâng nước mắt hạnh phúc. Vì tất cả chúng ta đã chờ đợi quá lâu giây phút này, và trả giá quá nhiều để đạt được thắng lợi ấy.

Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “Cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ý nghĩa ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta.

  • Phòng TTTM & TH

Xem nhiều nhất

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tác giả : José Mauro de Vasconcelos Nhà xuất bản Hội Nhà Văn SÁCH ĐANG CÓ TẠI THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH