
CHÈO CÁCH MẠNG
PGS.TS Trần Trí Trắc, những năm gần đây, đã
đem đến cho độc giả những công trình nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu đầy tâm
huyết của mình như: Sân khấu – loại hình kỳ diệu (1994), Thể tài sân khấu và
nghệ sĩ sáng tạo (1995), Hình tượng sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo (1996), Nghệ
thuật sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo (2000), Đại cương nghệ thuật sân khấu
(2011), Cơ sở triết học, văn hóa học và mĩ học của chèo cổ (2012), Cơ sở văn
hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam (2015), Thi pháp chèo cổ (2019)... và dịp
này lại có “Chèo cách mạng”.
“Chèo cách mạng” - là một công trình mang tính
tiên phong, chuyên sâu, toàn diện về chèo cách mạng Việt Nam đi từ ngày đầu cho
tới khi Nghị định 16/2015/NĐ-CP ra đời ngày 14-2-2015 quy định về cơ chế tự
chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế nhân
sự, tài chính... cho các đơn vị công lập.
Cuốn sách “Chèo cách mạng” được tác giả kết
cấu thành 4 chương: Những tiền đề của nghệ thuật chèo cách mạng; Khái lược sự
hình thành, phát triển của nghệ thuật chèo cách mạng; Khái lược chân dung một
số nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật chèo cách mạng; Những đặc trưng cơ bản của
nghệ thuật chèo cách mạng. Bốn chương này tạo cho công trình mang tính lịch sử
và tính lý luận, tức là lý luận được sinh ra từ thực tiễn lịch sử và thực tiễn
lịch sử sinh ra lý luận. Hai mặt lịch sử và lý luận đã thống nhất biện chứng
với nhau để các luận điểm, luận cứ đầy thuyết phục người đọc. Đặc biệt ở Chương
1, tác giả đưa tiểu mục Nghệ thuật biểu diễn cách mạng vào, đã như một minh
chứng cho chèo cách mạng không phải là một hiện tượng lịch sử biệt lập, ngẫu
nhiên, mà được nằm trong dòng chảy “đồng đại” chung của văn học nghệ thuật cách
mạng Việt Nam.
“Chèo cách mạng” – là công trình khoa học
nghiêm túc, công phu với nhiều tâm huyết của PGS.TS Trần Trí Trắc và mong rằng
nó sẽ hữu ích cho những ai quan tâm tới chèo cách mạng.
Thân mời quý bạn đọc tìm đọc cuốn sách này tại Thư viện tỉnh Tây
Ninh (83 Phạm Tung, Khu phố 1, Phường 3, Thành phố Tây Ninh).