
Chủ
tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài, anh hùng giải
phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã nêu lên
tấm gương sáng về phương pháp làm việc khoa học và học tập suốt đời cho toàn Đảng,
toàn dân ta cùng lớp lớp các thế hệ trọng đại gia đình các dân tộc Việt Nam
nguyện phấn đấu học tập và noi theo. Nhân kỷ niệm 132 năm (19/5/1890 - 19/5/2022)
ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh vĩ đại, Thư viện tỉnh Tây Ninh xin được gửi đến
quý vị khán thính giả cuốn sách “Tấm
gương Bác – Ngọc quý của mọi nhà” do Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan sưu tầm. Sách
do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành.
Tiến
sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan từ nhiều năm nay đã cần cù sưu tầm qua các sách báo,
tập hợp các bài viết, lời kể của các nhân chứng, những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ
thành một công trình dày dặn, phong phú để hoàn thành tác phẩm “Tấm gương Bác – Ngọc quý của mọi nhà”.
Nội dung cuốn sách vô cùng quý giá và
có giá trị phổ biến, tên sách đã nói lên điều đó. Sách gồm 297 bài viết, là những
câu chuyện ngắn gọn, có nội dung súc tích, dễ đọc, dễ nhớ, phản ánh tình cảm gắn
bó của Bác Hồ với bộ đội, cán bộ, nhân dân. Mối quan hệ mật thiết và cách ứng xử
linh hoạt, có tình có lý của Bác Hồ với mọi người qua những câu chuyện bình thường,
cụ thể trong đời sống hàng ngày đã được thuật lại một cách tự nhiên đến xúc động
lòng người.
Bác từng nói rằng
“Một trăm kế hoạch to mà không thực hiện được cũng chẳng bằng một kế hoạch nhỏ
mà hoàn thành. Một
trăm bài diễn thuyết tuyên truyền suông cũng không bằng một việc làm thiết thực”.
Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960), Bác nói: “… Đảng đoàn kết và
lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui
tươi ấm no và mỹ tục thuần phong. Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị
nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ.”
Bác giải thích: “Chủ nghĩa xã hội trước hết làm cho nhân dân lao động thoát nạn
bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh
phúc”.
Bản thân Bác từng nêu cao tấm gương lo
cho dân no ấm, lo cho các chị dân công không bị ướt, lo cho các chiến sĩ không
bị rét lạnh ở chiến trường… lo cho các cháu nhỏ bút giấy học hành…
Chẳng hạn như trong
bài viết “Hai chiếc áo rét của Bác Hồ”, đã tái hiện lại hình ảnh Bác đầy giản dị, đầy tình yêu thương dành cho các chiến
sĩ ngoài chiến trường.
Ngày 16/11/1946, trong lần gặp các vị đại biểu của phong trào “Mùa đông chiến
sĩ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bác nêu ý kiến: “Nước ta được giải phóng nhờ có
xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến.
Ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp , ở tiền tuyến các chiến sĩ phải chịu
rét mướt...”
Sau đó,
Người nói thêm: “Chiếc áo trấn thủ mà đồng bào sẽ gửi cho anh em binh sĩ trong
mùa rét này, chẳng những sẽ giúp anh em giữ được sức mạnh để bảo vệ đất nước,
mà còn khiến cho anh em luôn nhớ đến tình nhân ái nồng nàn của đồng bào ở hậu
phương”.
Đặt lên
bàn một gói, Người nói “Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã
mấy năm nay và một chiếc Ủy ban Vận động Mùa đông chiến sĩ vừa mang biếu tôi. Cả
hai chiếc, tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận...”
Chiếc áo Người mặc đó
là chiếc áo len màu be, cổ tròn mà Người đã dùng khi bôn ba ở nước ngoài để hoạt
động cách mạng, tìm đường cứu nước. Việc làm thiết thực và cao đẹp của Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ kịp thời tới cán bộ chiến sĩ, đồng thời mở ra một phong trào thi
đua yêu nước sôi nổi diễn ra trong toàn quốc. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, không biết ai trong các binh sĩ ấy còn giữ
được tấm áo trấn thủ mà Bác Hồ đã nhường như Người đã nhịn cơm... cứu đói năm
nào.
Nhờ
sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ, với sự tham gia giúp đỡ nhiệt tình của nhân
dân, mùa đông năm 1947, ngành quân nhu Quân đội ta đã nhận được rất nhiều áo trấn
thủ của nhân dân ủng hộ. Hình ảnh người chiến sĩ Vệ Quốc đoàn mặc áo trấn thủ,
đội mũ ca lô, đi dép cao su và chiếc bao tượng đeo bên
mình đã trở thành một hình ảnh đẹp, biểu tượng văn hóa trong một giai đoạn lịch
sử hào hùng của dân tộc ta.
Tấm
gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng muôn đời cho cháu
con dân tộc Việt Nam. Cho dù Bác đã đi xa nhưng những lời dạy của Bác đối
với thế hệ trẻ luôn là kim chỉ nam để mỗi cá nhân học tập và noi theo. Chúng ta được Bác răn dạy bằng lời nói, bài viết. Chúng ta còn được Bác
răn dạy bằng tấm gương của Bác, bằng những răn dạy không có lời, mà bằng chính
nhân cách của Bác.
Bằng cả cuộc đời hy sinh vì dân,
vì nước, Bác dạy chúng ta “suốt đời là đầy tớ của nhân dân”, phải coi “có Tổ quốc
mới có ta. Nước là rất trọng, ta là rất khinh” như câu khẩu hiệu Bác đề trên tờ
báo Việt Nam độc lập số 103 (ngày 21 tháng 8 năm 1941).
Kính trọng dân, là Chủ tịch nước,
Bác xưng cháu với cụ Phụng Lục. Trong bữa ăn, có người già, em nhỏ, chiến sĩ,
bao giờ Bác cũng xẻ phần món ăn ngon cho khách nhiều hơn mình. Dạy cho những
người hoang phí, cậy tiền có của, có khi là của công. Lòng chúng ta đau thắt
khi thấy Bác ngồi khâu đôi tất rách, phe phẩy cái quạt cọ, đi xe cũ,...
Dạy cho các vị tướng phải thương
yêu chiến sĩ canh giữ bầu trời trên nóc nhà Quốc hội giữa những trưa hè nắng
cháy, Bác đã bỏ tiền riêng, nhờ người mua nước cho anh em uống...
Mong ước “thế giới một nhà”, Bác
tặng con gái tướng Sa Lăng quả táo to nhất trong tiệc chiêu đãi, gửi thư an ủi
chị Morisơn, coi tất cả những người bị áp bức trên thế giới đều là bạn bè, là
“đồng bào”...
Là con cháu của Bác Hồ kính yêu,
yêu thương Bác, với tấm gương của Bác, qua những lời dạy của Bác, chúng ta tin
chắc rằng chúng ta sẽ dũng cảm, để mãi mãi có được tấm lòng trong sáng, xứng
đáng là con cháu Việt Nam anh hùng.
“Tấm gương Bác – Ngọc quý của mọi nhà”, với nội dung phong phú và cao quý như vậy
lại ra mắt bạn đọc trong một thời điểm rất thích hợp. Đó là dịp cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được đẩy mạnh và mở rộng
trong toàn dân, nên đã cung cấp đúng lúc và kịp thời tài liệu tham khảo quý có
giá trị lý luận và thực tiễn cao, phục vụ đắc lực cho đợt học tập một cách thiết
thực và hiệu quả.
Điều
đặc biệt của tác phẩm đó là giá trị giáo dục to lớn xuyên suốt các bài viết từ
đầu đến cuối, qua từng bài làm cho người đọc tiếp nhận một cách dễ dàng mà sâu
sắc, lâu dài, mãi mãi. Dù bất cứ ai đều có thể rút ra từ đây những bài học lý
tưởng và đạo đức làm người, để theo đó cố gắng
học tập tư tưởng không ngừng tiến bộ. Tấm gương Bác lung linh không phải treo trên cao để mọi người cùng chiêm ngưỡng kính phục
mà rất gần với mọi người,
luôn luôn chiếu sáng, soi đường, chỉ lối cho chúng ta không ngừng tu dưỡng bản
thân để có điều kiện phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân với chất lượng ngày càng tốt hơn, hiệu quả ngày càng cao hơn.
Có
thể nói cuộc đời và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử và đời sống
tâm hồn dân tộc Việt Nam. Đó sẽ là một dòng máu đỏ tươi chảy trong huyết quản của
mỗi người dân đất Việt. Đó chính là chất người cộng sản toả ánh hào quang soi
đường chỉ lối cho mọi thế hệ người Việt, cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng
ta. Qua những câu chuyện kể về Người có thể mỗi người sẽ có những cảm nhận khác
nhau nhưng bao trùm lên tất cả là tình cảm trân trọng biết ơn. Từ đó, ta
biết học tập đức tính tốt của Bác để ngày càng hoàn thiện hơn bản
thân mình.
Phẩm chất và đạo đức
của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho dân tộc Việt Nam noi theo. Trong
từng vần thơ, câu ca cũng từng
viết: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Ngày nay,
Bác đã đi xa nhưng những gì là giá trị đạo đức, là truyền thống
quý báu của Bác vẫn mãi là tấm gương sáng ngời cho nhân dân và nhân
loại soi sáng. Với những mẩu chuyện ngắn trong cuốn sách “Tấm gương Bác – Ngọc quý của
mọi nhà” sẽ giúp bạn cảm
nhận sâu sắc hơn về vị cha già kính yêu của dân tộc. Từ đó, biết trân trọng
hơn từng phút giây được sống và được làm theo lời Bác.