hidden

Ký ức mang tên Trường Sơn

  • 10/07/2020
  • 92

Năm tháng đã qua đi, nhưng những ký ức, những kỷ niệm về Trường Sơn, về những con người đã sống, chiến đấu, và hy sinh ở Trường Sơn năm xưa sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Tập bút ký “Ký ức mang tên Trường Sơn” của tác giả Nguyễn Trọng Văn với những câu chuyện chân thật kể về người lính, sẽ giúp độc giả hiểu hơn về thế hệ thanh niên đã cống hiến tuổi xuân của mình cho quê hương, đất nước. Sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Cuốn sách bao gồm 8 truyện ngắn và 12 bút ký, được tác giả chấp bút từ những câu chuyện có thật trong thời chiến. Người đọc có thể cảm nhận được sự khó khăn, gian khổ, trên những cung đường bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Để từ đó thấy được hình ảnh người lính sáng bừng ý chí đấu tranh, vượt lên mọi gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Từ trong sâu thẳm của đại ngàn Trường Sơn, người dân Trường Sơn đã hòa vào dòng thời đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng cả nước làm cuộc trường chinh kéo dài suốt hàng chục năm. Và trong cuộc trường chinh vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến một kỳ tích lịch sử của cả dân tộc Việt Nam: “Huyền thoại đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh”. (Trích: Mang tên Trường Sơn).

Con đường huyền thoại ngày nào giờ lại được phủ thêm một lớp giá trị của lịch sử. Càng hiểu sâu sắc về những giá trị của quá khứ, càng nhớ về cội nguồn, về truyền thống là đạo lý của dân tộc, thì càng biết trân trọng những bình yên tươi sáng của hôm nay. Đó là cơ sở để hoàn thiện nhân cách, xây dựng đạo đức lối sống của con người hiện tại. Chính vì vậy mà đời sống văn học nghệ thuật của nước nhà không thể thiếu mảng đề tài về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu của con người Việt Nam. Ðường Trường Sơn vì thế luôn là sự hướng đến đầy thiêng liêng và bất tận đối với văn học nghệ thuật.

Không chỉ viết về Trường Sơn, tác giả Nguyễn Trọng Văn còn mở rộng đề tài, khi viết những bút ký trên con đường công tác của mình. Điển hình như trong chuyến công tác ra Nhà giàn DK1, anh đã chứng kiến cơn bão tại đây: “Cơn bão đổ đến đã giật, đã giằng như muốn cuốn phăng nhà giàn xuống biển. Tình thế vô cùng nguy cấp, các chiến sĩ ta đã được lệnh “sơ tán” khỏi nhà giàn nhằm bảo toàn tính mạng và tàu cứu hộ cũng được “đất liền” phái tới trợ giúp. Mọi người lần lượt xuống tàu cứu hộ và tưởng như đã an toàn, … Những người chiến sĩ tuổi hai mươi đã viễn vĩnh hóa thân vào biển cả. Có người chiến sĩ mới nhận được tin vợ sinh con đã ra đi mà không bao giờ biết mặt đứa con của mình”.

“Ký ức mang tên Trường Sơn” với những câu chuyện đi vào lòng người, được tác giả kể bằng nhiều hình thức khác nhau. Tất cả như những minh chứng sống động, tái hiện phần nào sự kiên cường, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Yến Nhi

  • Phòng TTTM & TH

Mới nhất

💥Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 diễn ra trong dịp lễ kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), nên các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay tập trung nhiều đến nội dung chuyên đề này nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ.

Xem nhiều nhất

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tác giả : José Mauro de Vasconcelos Nhà xuất bản Hội Nhà Văn SÁCH ĐANG CÓ TẠI THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH