hidden

Mùa chinh chiến ấy

  • 23/06/2020
  • 77

“Mùa chinh chiến ấy” là tập hồi ức chiến binh của nhà văn Đoàn Tuấn viết về ông và đồng đội trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980 là nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một kẻ địch nguy hiểm, liều lĩnh và môi trường xa lạ cùng với muôn vàn khó khăn thử thách nơi đất lạ quê người.

Cuốn sách còn là những trang bút ký về sinh hoạt của người dân bản xứ với nhiều chi tiết mới mẻ. Những mảng kí ức 40 năm về trước sẽ đưa người đọc theo dấu chân tuổi 18 của nhân vật “tôi” – người lính sư đoàn 307, đi tới tận những miền rừng núi heo hút xứ người. Đó là cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số: bắt đầu từ Pleiku, theo đường 19 tiến về hướng Tây, để đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ ở vùng Đông - Bắc Campuchia. 

Với 500 trang sách, tác giả đã có thể kể cho chúng ta nghe những điều chân thật nhất về cuộc chiến, bằng giọng kể nhẹ nhàng, giàu chất nhạc và thơ. Có những chi tiết ám ảnh đầy đau thương như hình ảnh những đồng đội phải “hai lần chết”, một lần chết do mìn quân Pol Pot, một lần trên đường khiêng xác về hậu cứ trung đoàn bị địch phục kích lần nữa. Hay chi tiết khiến người đọc không khỏi xót xa: vừa mùa khô chết khát đã sang mùa mưa chết do lũ cuốn, vừa chứng kiến bạn mình chết do giẫm mìn lại phải đau lòng khi chôn một đồng đội khác do sét đánh hoặc rắn cắn,…

Tác giả Đoàn Tuấn từng tâm sự rằng: ông định viết một cuốn tiểu thuyết về những gì đã nếm trải sau những năm tháng khốc liệt ở chiến trường K và rồi ông đã bỏ ý định ấy. Thế nhưng, cuộc chiến với những gian khó ngoài sức tưởng tượng đối với một chàng trai Hà Nội như ông đã thôi thúc ông phải cầm bút. Tác giả phải mất một thời gian khá lâu để chọn hình thức “hồi ức” để chuyển tải những thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến, trước hết là những đồng đội, sau nữa là những ai quan tâm đến cuộc chiến ở chiến trường K.

Đoàn Tuấn viết mạch lạc và súc tích, nhưng đôi khi cũng mạnh dạn đề cập đến những mảng gai góc của hiện thực. Những trang văn đầy ắp chi tiết dựng lại cả một giai đoạn lịch sử vẫn còn nóng hổi để mỗi người Việt cảm nhận được. Tựa như một tự truyện nhưng cái tôi luôn hòa quyện với cái chúng ta, nhiều khi tác giả ẩn mình phía sau những sự kiện nhưng người đọc vẫn nhận ra những gì mà tác giả của những trang văn còn lấm lem bùn đất và lửa khói chiến hào ấy đã nếm trải và chịu đựng.

Trước những sức ép kinh khủng của chiến tranh, những người lính trẻ vấp phải vô vàn thử thách, họ phải đấu tranh tư tưởng để có thể tiếp tục cầm chắc tay súng, có người không chịu đựng nỗi đã có ý nghĩ đào ngũ. Nhưng họ đã ở lại, đã chiến đấu, hy sinh, năm này qua năm khác… Để ngày trở về, mang theo thứ tài sản vô giá của cuộc đời quân ngũ: tình đồng đội. Năm năm ở chiến trường K của Đoàn Tuấn, với lịch sử chỉ như thoáng chốc, nhưng với mỗi người lính mười tám, đôi mươi ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ để lại. 

Tác giả hầu như nhớ đến những chi tiết cho dù là rất nhỏ, của những năm tháng đã đi qua. Khó mà cầm lòng khi đọc những dòng ông viết về những người bạn đồng hương, cùng chung chí tuyến: đã bọc trong túi áo cả giấy gọi nhập học đại học từ 5 năm trước và giấy ra quân hôm nay, nhưng trên đường về nước đã gặp phải mìn, hai loại giấy tờ cần thiết đối với một người lính đã xong nghĩa vụ ấy giờ văng tung tóe, tờ giấy nào cũng đẫm máu tươi. Rồi một anh tiểu đoàn trưởng, đi hết cuộc chiến tranh chống Mỹ chả sao, giờ ngã xuống trên chiến trường K, khi làm công tác kiểm đếm di vật tử sĩ, người ta chẳng thấy gì trong chiếc ba lô cũ kỹ của anh ấy ngoài những lá thư của gia đình gửi sang,

Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn mãi. Vẫn còn rất nhiều điều, rất nhiều góc khuất mà từng câu chữ không thể diễn tả hết thành lời. “Mùa chinh chiến ấy” phần nào tái hiện sinh động cuộc đời quân ngũ – tình đồng đội thiêng liêng, để giúp chúng ta, những người đang sống ở thời bình càng thêm biết ơn và càng tự hào dân tộc.

Yến Nhi


  • Phòng TTTM & TH

Mới nhất

Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách – Chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức quy mô toàn quốc, với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.

Xem nhiều nhất

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tác giả : José Mauro de Vasconcelos Nhà xuất bản Hội Nhà Văn SÁCH ĐANG CÓ TẠI THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH