hidden
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH 

Thư viện tỉnh Tây Ninh được chính thức thành lập vào ngày 30.4.1976. đây là một dấu son lịch sử đánh dấu sự ra đời của một thư viện tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam Bộ với cái tên đầu tiên là Thư Viện Tây Ninh – Hà Tây kết nghĩa. 

            Hơn 35 năm qua là cả một chặng đường đầy ý nghĩa đối với sự hình thành và phát triển của Thư Viện tỉnh Tây Ninh, một loại hình hoạt động không thể thiếu trong lĩnh vực hoạt động văn hóa – xã hội với mục tiêu vì chiến lược con người. 

            Quá trình hình thành và phát triển của Thư Viện tỉnh Tây Ninh là một quá trình gay go, phức tạp bởi đặc thù của một tỉnh biên giới có chiến tranh, có tỉ lệ giáo dân cao, tình hình văn hóa tư tưởng không kém phần phức tạp. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa với vũ khí là sách, là kho tàng tri thức, ngành thư viện tỉnh nhà đã từng bước đưa ánh sáng cách mạng, ánh sáng chân lý soi rọi vào đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân mọi tầng lớp. Thư viện từ không tới có và ngày càng lớn mạnh, nhân dân từ chỗ có phong trào đọc sách lẻ tẻ dẫn tới có nhu cầu đọc sách rộng rãi. 

            Thư viện Tây Ninh đã trải qua biết bao biến động, nhưng điều đó không ngăn được sự tiến bước vững vàng và những đổi thay không ngừng vươn lên của Thư viện là sự khẳng định đầy tự hào về sự phấn đấu của tập thể CB – CC Thư Viện tỉnh cũng như sự quan tâm của lãnh đạo cấp ngành, tỉnh. 

            Nhìn lại những ngày đầu thành lập, hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở đã được Nhà nước bao cấp toàn diện. Cơ chế ấy thể hiện bằng mô hình văn hóa theo phương thức Nhà nước hóa, chi phối mọi hoạt động, cung cấp tất cả những sản phẩm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần theo kế hoạch phân phối của Nhà nước. Từ mô hình này, một trong những thiết chế văn hóa Nhà nước là hệ thống thư viện công cộng đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Thư viện tỉnh ra đời ban đầu còn nghèo nàn về cơ sở vật chất phải ở tạm với văn phòng UBND tỉnh, sách có 10 ngàn bản do Thư Viện tỉnh Hà Tây kết nghĩa trao tặng, cán bộ ít lại chưa qua trường lớp đào tạo duy nhất chỉ có một nghiệp vụ là cán bộ chi viện của Thư viện tỉnh Hà Tây kết nghĩa.

          Đến năm 1978, thư viện được lãnh đạo tỉnh quan tâm cấp cho cơ sở mới, tuy không được rộng rãi, không đúng qui cách của một thư viện, nhưng nó cũng đảm bảo tương đối để cho Thư viện hoạt động tốt và Thư viện tỉnh Tây Ninh đã phát triển mạnh ngay từ những năm đó. Vốn sách lúc bấy giờ đã có đến 25.000 bản, với 8 cán bộ nhân viên đã được qua đào tạo sơ cấp nghiệp vụ. Thư viện đã bắt đầu gây men được phong trào đọc sách trong quần chúng bằng các hình thức thi đọc sách, thi kể chuyện sách, trưng bày triển lãm sách, biên soạn thư mục giới thiệu sách chuyên đề, giới thiệu sách trên đài phát thanh truyền hình....Đặc biệt trong những năm đầu thành lập, hoạt động thư viện thực hiện phương châm “sách đi tìm người”, đây là công tác đạt hiệu quả thiết thực nhất. Thư viện tỉnh đã đưa sách đến tận nông thôn, vùng biên giới xa xôi hẻo lánh, vùng căn cứ cách mạng để phục vụ nhân dân, phục vụ bộ đội.

Đồng thời còn phục vụ sách đến tận tay các nhà lãnh đạo, những người làm công tác nghiên cứu ở từng ngành, từng lĩnh vực, năm 1987 là năm ngành Thư viện tỉnh Tây Ninh đã khép kín về mạng lưới thư viện huyện, cán bộ thư viện tỉnh và thư viện huyện có 16 đồng chí là sơ cấp. Tuy vậy, đội ngũ cán bộ này cũng đủ sức để thực hiện việc tổ chức phục vụ và phát triển mạng lưới thư viện từ tỉnh đến cơ sở.     

 Trong công cuộc đổi mới của Đảng, chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa thông tin cũng được đổi mới, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của cơ chế thị trường. Việc xã hội hóa các hoạt động thư viện được phát huy tác dụng trong thực tiễn. Hoạt động, Thư viện tỉnh cùng các Thư viện huyện, thị lại được củng cố, nâng cấp.  

Hiện nay tổng số sách Thư Viện tỉnh có trên 170.000 bản sách,  với khoảng 250 đầu  báo, tạp chí các loại. 

Trong hoạt động, Thư Viện tỉnh đã làm tốt chức năng của một thư viện khoa học tổng hợp. Ngoài  việc duy trì chức năng tàng trữ vốn sách báo, thư viện còn tích cực khai thác, chọn lọc các nguồn sách báo để phục vụ kịp thời cho bạn đọc bằng nhiều hình thức:  Biên soạn các tập thông tin thư mục, thông tin tư liệu với nhiều chuyên đề khác nhau, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu  về các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm, đồng thời trưng bày triển lãm sách báo, điểm sách và giới thiệu sách trên dài truyền hình..., để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế- văn hóa- xã hội v.v ...Với chức năng là thư viện trung tâm, Thư viện tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực chỉ đạo hướng dẫn, giúp đở nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách tủ sách, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo các cấp và phối hợp với các ngành quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí cho xây dựng, phát triển hệ thống thư viện và tủ sách cơ sở trong toàn tỉnh.  

Trong toàn hệ thống thư viện công cộng và tủ sách ban ngành tỉnh với hàng triệu bản sách, những năm qua Thư viện tỉnh đã tổ chức phối hợp hoạt động phục vụ tốt cho nhân dân trong toàn tỉnh nhằm nâng cao dân trí, xoá dần sự cách biệt hưởng thụ văn hoá giữa thành thị với nông thôn, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành giao cho. 

Chặng đường thăng trầm mà Thư Viện Tây Ninh đã đi qua là hàng loạt những biện pháp, chương trình kế hoạch đã được đặt ra và triển khai góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác Thư viện. Từ hoạt động thông tin tuyên truyền đến tổ chức phục vụ bạn đọc, phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở đã mang lại tác dụng thiết thực trong việc góp phần đưa văn hóa về cơ sở, nâng cao dân trí bồi dưỡng nhân tài. Nhân dân đã nhận thức được tác dụng của Thư Viện đối với đời sống xã hội, và sách báo không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của mọi người dân. Do vậy lượng độc giả đến thư viện hàng năm đều tăng. 

Thư viện Tây Ninh, giờ đây, ngoài việc tập trung cho công tác tổ chức phục vụ cho bạn đọc khai thác có hiệu quả tiềm năng to lớn của nguồn lực thông tin, thư viện còn phải tiếp tục đầu tư xây dựng vốn tài liệu sách- báo (tài liệu quý hiếm, tài liệu mới có nội dung phù hợp), kho tư liệu thật hoàn hảo để đáp ứng đầy đủ cho mọi yêu cầu nghiên cứu của nhân dân. Có vậy, thư viện mới thực sự là một “ngân hàng” về thông tin phục vụ đắc lực cho việc thực hiện công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. 

Nhìn lại chặng đường đầy gian nan, vất vã, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Vụ thư viện, Thư Viện quốc gia Việt Nam và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Sở VHTTDL, các thế hệ cán bộ Thư Viện tỉnh Tây Ninh, đã đoàn kết một lòng nổ lực phấn đấu đưa sự nghiệp Thư Viện phát triển không ngừng. Khẳng định vị trí vai trò của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội....Trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa văn hóa trong lĩnh vực Thư Viện và trong việc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. 

Thư Viện sẽ tiếp tục phấn đấu khắc phục tồn tại, phát huy thế mạnh và tiềm lực sẵn có để nổ lực vươn lên nhằm đưa sự nghiệp Thư Viện Tây Ninh phát triển ngang tầm với yêu cầu mới, đáp ứng với lòng mong mỏi của nhân dân và sự tin cậy của lãnh đạo Đảng – Nhà nước tỉnh nhà đối với ngành Thư viện Tây Ninh


Liên hệ:

THƯ VIỆN TỈNH TÂY NINH

Số 83 Đường Phạm Tung - Phường 3 - TP Tây Ninh - Tỉnh Tây Ninh

Điện thoại: 0276.3815419